Hội thảo Công bố Báo cáo: “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng năm 2014”

Sáng ngày 03/04/2014, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng năm 2014”.

Đến dự Hội thảo có sự góp mặt của các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín bao gồm: Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế TW, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ Kế hoạch - Đầu tư); Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Vụ Tổng hợp Kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Chính sách Đối ngoại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao); giảng viên và sinh viên các trường đại học…

Toàn cảnh Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR phát biểu khai mạc. giới thiệu về. Đây là báo cáo thứ ba trong chuỗi Báo cáo Thường kỳ Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc định kỳ 6 tháng một lần do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thực hiện. Ngay sau đó, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc trình bày những nội dung chính của Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng 2014. Báo cáo gồm ba phần chính: (1) Tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa cuối năm 2013, (2) Các chính sách kinh tế vĩ mô chủ yếu nửa cuối năm 2013 và (3) Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2014.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES đang trình bày Báo cáo

Tăng trưởng GDP ở mức 7,7%, cao hơn mục tiêu đề ra (7,5%). Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề lớn: Suy giảm cầu trong và ngoài nước, đồng thời một số ngành xuất hiện dư thừa sản lượng do sản xuất vượt quá sản lượng tiềm năng, chi phí gia tăng, ROA và ROE đều suy giảm. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có sự tăng trưởng phục hồi so với nửa đầu năm nhưng chỉ duy trì ổn định quanh ngưỡng 6-8% cho thấy sự bão hòa của thị trường thế giới đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc. Báo cáo cũng đề cập đến lộ trình cải cách toàn diện được kỳ vọng trong Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 11/2013. Những điểm nổi bật tích cực về nội dung cải cách kinh tế tại Hội nghị này bao gồm: Sự thay đổi về vai trò điều tiết giữa chính phủ và thị trường, nhấn mạnh đến nội dung cải cách trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ tập trung vào kinh tế, vấn đề dân sinh được chú trọng nhiều hơn và chọn ra được hai lĩnh vực cải cách nhằm tạo đột phá, đồng thời được coi là nguồn lợi mới của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là đất đai và đô thị hóa. Nhưng những thách thức đối với thành công của sự điều chỉnh cũng như quyết tâm điều chỉnh của chính phủ Trung Quốc là không nhỏ.

Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc đã đón nhận nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các chuyên gia cao cấp và các nhà hoạch định chính sách đồng thời gợi ý Báo cáo có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên đề nhằm làm sâu hơn một số nội dung.

Download tài liệu tại ĐÂY

Các phương tiện truyền thông đưa tin về Hội thảo

[VITV – 03/04/2014] Công bố Báo cáo Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013

[dangcongsan.vn – 03/04/2014] Công bố Báo cáo Kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2013 và triển vọng 2014”

[InfoTV – 17/04/2014] VEPR đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc 2014

Một số hình ảnh của Hội thảo