Hội thảo công bố: “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2013 và triển vọng”

Hội thảo đã quy tụ được các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín bao gồm: Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế TW, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ Kế hoạch - Đầu tư); Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Hội khoa học kinh tế Việt Nam; Hội đồng lý luận TW; Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao… Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều chuyên viên cao cấp đến từ Vụ Tổng hợp Kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Chính sách Đối ngoại (Bộ Ngoại giao); Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cùng giảng viên và sinh viên một số trường đại học.



Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, giới thiệu về Báo cáo Thường kỳ Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc. Đây là báo cáo nghiên cứu định kỳ 6 tháng một lần do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thực hiện. Dựa trên số liệu chính thức của các cơ quan, bộ ngành của chính phủ Trung Quốc, nội dung chính của báo cáo là phân tích thực chứng về tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc 6 tháng vừa qua và đánh giá triển vọng của một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong thời gian tới; đồng thời, tạo điều kiện để các học giả, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách thảo luận về tình hình kinh tế Trung Quốc, cũng như tác động đối với kinh tế Việt Nam.

Tiếp đó, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc trình bày những nội dung chính của Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2013 và triển vọng. Báo cáo gồm ba phần chính: (1) Tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa đầu năm 2013, (2) Các chính sách kinh tế vĩ mô chủ yếu nửa đầu năm 2013 và (3) Triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2013.



Về tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa đầu năm 2013, Báo cáo đã chỉ ra sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế này nhiều hơn là chịu tác động từ bên ngoài thông qua xem xét tổng cung và tổng cầu. Sự suy giảm tăng  trưởng GDP đã định hình với mức 7,6% GDP nửa đầu năm 2013, tăng trưởng GDP suy giảm quý thứ 13 liên tiếp kể từ quý I/2010. Năm 2013 kinh tế Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro trong hệ thống tài chính, vấn đề vay nợ của địa phương, thị trường bất động sản…Sản xuất công nghiệp đã suy giảm tăng trưởng từ mức đỉnh của nửa cuối năm 2009 và chưa lấy lại được sự phục hồi. Trong khi đó, suy giảm tổng cầu trong và ngoài nước khiến tình hình dư thừa sản lượng thêm trầm trọng. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, suy giảm tổng cầu bên ngoài khiến tình hình tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm không khả quan, lần đầu tiên cả xuất khẩu và nhập khẩu Trung Quốc xuất hiện sụt giảm tăng trưởng vào tháng 6. Bên cạnh đó, tình hình nợ công của địa phương được tính toán ở mức 64,5% GDP – cao hơn mức 35% công bố chính thức hay mức 45% của IMF ước lượng. Trọng tâm của chính sách kinh tế vĩ mô mà chính phủ Trung Quốc theo đuổi trong năm nay là ổn định tăng trưởng và việc làm, không để tăng trưởng mất mốc 7,5%, không để lạm phát vượt mốc 3,5%, không để tỉ lệ thất nghiệp tại thành thị vượt mốc 4,6%. Bên cạnh đó, tích cực điều chỉnh kết cấu và hướng đến tăng trưởng bền vững. Nhưng những thách thức đối với thành công của sự điều chỉnh cũng như quyết tâm điều chỉnh của chính phủ Trung Quốc là không nhỏ.



Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc đã đón nhận nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các chuyên gia cao cấp và các nhà hoạch định chính sách. TS. Lê Đăng Doanh đánh giá cao sự xuất hiện của Báo cáo – mặc dù đây mới là báo cáo thứ hai trong chuỗi báo cáo thường kỳ của VCES – nhưng đã đáp ứng những nhu cầu tìm hiểu về tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc một cách có hệ thống, có bằng chứng, dựa trên nhiều nguồn số liệu tin cậy của Trung Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế. TS. Lưu Bích Hồ đánh giá cao tinh thần cầu thị và nỗ lực của nhóm nghiên cứu VCES trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện Báo cáo, đồng thời cho rằng cần đề cập sâu hơn đến các vấn đề trung hạn của nền kinh tế Trung Quốc và liên hệ với việc tổng hợp quan điểm của các nhà kinh tế học phương Tây. Sau Hội thảo, Báo cáo tiếp tục được nhóm nghiên cứu hoàn thiện và phát triển những phân tích chuyên sâu về kinh tế vĩ mô Trung Quốc. PGS. TS. Lê Cao Đoàn – Viện Kinh tế Việt Nam – đánh giá báo cáo đã có sự cải thiện về chất lượng so với báo cáo đầu tiên – về tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa cuối năm 2012 – đồng thời gợi ý Báo cáo có thể xem xét đi sâu phân tích thêm về các yếu tố thể chế và thực hiện các nghiên cứu chuyên đề nhằm làm sâu hơn một số nội dung.

Một số hình ảnh của Hội thảo: