Hội thảo khoa học quốc gia “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực”

Sáng ngày 28/11/2014, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực”.

 Download tài liệu Hội thảo tại ĐÂY

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã quy tụ được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín, nhiều giảng viên và sinh viên các trường Đại học, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu khai mạc, giới thiệu về Hội thảo. Đây là năm thứ ba Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) tổ chức Hội thảo thường niên về kinh tế Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi khoa học của các học giả trong nước và quốc tế về tình hình kinh tế Trung Quốc đương đại. Tiếp nối thành công của Hội thảo năm 2012 và 2013, Hội thảo năm nay tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế và chiến lược của Trung Quốc khi quốc gia này đang tích cực triển khai tái cân bằng kinh tế, đồng thời đưa ra đánh giá về tác động của quá trình tái cân bằng ấy đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Ngay sau đó, TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc trình bày báo cáo đề dẫn về “Tái cân bằng kinh tế ở Trung Quốc”. Trong phần trình bày của mình, TS. Phạm Sỹ Thành chỉ ra Trung Quốc đang gần như lấy lại được vị thế của mình vốn bị mất vào thời Chiến tranh nha phiến, khi GDP của nước này chiếm 32% tổng GDP thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc đang bị mất cân bằng cả về sản xuất và phân phối. TS Thành phân tích: "Biểu hiện rõ nét nhất là kinh tế Trung Quốc phải dựa rất nhiều vào đầu tư. Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng thế giới khi tăng đầu tư lên mức 50% GDP, còn các nền kinh tế phát triển có xu hướng giảm đầu tư về mức 20-30% GDP”. Sự mất cân bằng trong tăng trưởng để lại cho nền kinh tế Trung Quốc rất nhiều hệ lụy như làm gia tăng các khoản nợ của doanh nghiệp và địa phương, các vấn đề tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường,…

TS. Phạm Sỹ Thành trình bày báo cáo đề dẫn “Tái cân bằng kinh tế ở Trung Quốc”

Tiếp theo, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu về “Trung Quốc chuyển dịch phát triển trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu mới”. TS. Võ Trí Thành phân tích hai mong muốn của Trung Quốc ở thời điểm này: (1) về đối ngoại, Trung Quốc muốn cho cả thế giới biết đến sự trỗi dậy của mình thể hiện qua lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ; (2) về đối nội, TS. Võ Trí Thành cho rằng Trung Quốc đang rơi vào sự mất cân bằng, do đó Trung Quốc mong muốn tái cấu trúc thành công. Xét ở khía cạnh khu vực, TS. Võ Trí Thành cũng phân tích tác động hai chiều của Trung Quốc đến các nước Châu Á – Thái Bình Dương: tác động tích cực đối với các nước có xu hướng phát triển cùng chiều với Trung Quốc và tác động gây ra đối với các nền kinh tế trong khu vực ASEAN phải chịu sự cạnh tranh của Trung Quốc.

TS. Võ Trí Thành với bài thuyết trình “Trung Quốc chuyển dịch phát triển trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu mới”

Trong phiên thứ hai của Hội thảo, các học giả tiếp tục chia sẻ về tái cân bằng kinh tế, chiến lược của Trung Quốc. Ở tiểu ban một với chủ đề “Tái cân bằng kinh tế Trung Quốc và những tác động”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng – Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày báo cáo “Đa giác hiển thị với 4 đỉnh mới nổi ở Đông Nam Á và sự lựa chọn tất yếu về chiến lược trong 20 năm tới”. Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, có bốn nền kinh tế có thể được xem như  bốn đỉnh mới nổi của một đa giác đang hiển thị ở Đông Á, trong đó mỗi nền kinh tế đều có những thế mạnh cốt lõi của mình, đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Việc chúng cùng vận hành trong một thế giới thay đổi nhanh chóng mang đến những lựa chọn tất yếu về chiến lược đối với tất cả các nền kinh tế và doanh nghiệp ở Đông Á và trên toàn thế giới.

Từ trái sang phải: Bà Trần Hoàng Anh, ThS. Phùng Thanh Quang, TS. Phạm Sỹ Thành, ThS. Nguyễn Thành Trung, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

ThS. Phùng Thanh Quang, ThS. Nguyễn Thành Trung - Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày về “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc và Khuyến nghị Chính sách cho Việt Nam”. Bài thuyết trình của nhóm tác giả tập trung phân tích thực trạng OFDI của Trung Quốc, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SoEs) trong việc thực hiện OFDI. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam đối với dòng vốn OFDI của Trung quốc vào Việt Nam và trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc.

Tiếp đó, bà Trần Hoàng Anh đến từ khoa Quản lý, Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc chia sẻ về “Định hướng mới trong chính sách kinh tế vĩ mô: Bản nâng cấp kinh tế Trung Quốc”. Mở đầu bài thuyết trình, diễn giả chỉ ra những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Diễn giả nhấn mạnh "Trung Quốc không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Họ cần một chính sách mới giải quyết các vấn đề tồn đọng với mục tiêu phát triển về chất, tăng cao hiệu quả đầu tư, giảm sản lượng dư thừa; vững mạnh và nâng cao ưu thế những ngành mới để bù đắp cho các ngành truyền thống mất ưu thế,...” Từ đó, diễn giả Hoàng Anh đưa ra gợi mở trong chính sách tái cơ cấu của Việt Nam.

Song song với tiểu ban một, tiểu ban hai “Liên kết kinh tế giữa Trung Quốc với khu vực và những hệ quả” bắt đầu với bài trình bày “Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Nhật Bản tại Châu Á – Thái Bình Dương và những tác động đến khu vực” của diễn giả Bùi Quốc Khánh – Bộ Công An. Tham luận làm rõ quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, đồng thời xem xét phản ứng của Nhật Bản, đặc biệt là những thay đổi mang tính bước ngoặt của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Cuối cùng, diễn giả chỉ ra một số tác động đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bài tham luận thu hút nhiều câu hỏi trao đổi của các đại biểu xoay quanh nguyên nhân, cách thức cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc – Nhật Bản và liệu Việt Nam có rơi vào thế lưỡng nan trong quan hệ Trung – Nhật.

Ông Bùi Quốc Khánh với bài trình bày “Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Nhật Bản tại Châu Á – Thái Bình Dương và những tác động đến khu vực”

Là một trong các nước chịu ảnh hưởng từ sự trỗi dậy Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược phản ứng linh hoạt đối với chiến lược biển của Trung Quốc, đặc biệt là sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (tháng 5/2014). Trao đổi về vấn đề này, ThS. Lục Minh Tuấn – ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh mang đến Hội thảo bài thuyết trình với chủ đề “Phương thức phối hợp đồng bộ giữa các mặt trận truyền thông – pháp lý – học thuật của Việt Nam trong vấn đề biển Đông”. Trên cơ sở học thuyết “Ba mặt trận”, ThS. Lục Minh Tuấn phân tích mặt trận thông tin trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo ThS. Lục Minh Tuấn, qua sự kiện này Trung Quốc đã triển khai đồng loạt cả ba mặt trận truyền thông, pháp lý và tâm lý để kiểm soát dư luận quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những biện pháp phản ứng nhanh chóng và toàn diện trên cả ba mặt trận đó. Đặc biệt là trên mặt trận pháp lý, Việt Nam đã đạt được các thắng lợi rõ ràng trên ngoại giao kênh 2 (kênh học giả) và các hoạt động đối ngoại nhân dân. Bài thuyết trình được đánh giá cao vì có những đóng góp mới trong định hướng cho biện pháp giải quyết vấn đề biển Đông.

ThS. Nguyễn Quốc Trường với bài trình bày “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng: Bối cảnh mới, nội dung mới và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam”

Bài thuyết trình cuối cùng tại Hội thảo về “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng: Bối cảnh mới, nội dung mới và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam” của ThS. Nguyễn Quốc Trường – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bài tham luận nhấn mạnh những thay đổi của hợp tác kinh tế VBBMR trong bối cảnh mới từ năm 2012. ThS. Nguyễn Quốc Trường cho rằng Trung Quốc đang tích cực hơn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, còn các nước ASEAN vẫn còn dè dặt, chưa nhất trí. Do đó kết quả mang lại chưa nhìn thấy rõ rệt và chưa đúng với kỳ vọng của Trung Quốc. Theo ThS. Nguyễn Quốc Trường, sáng kiến hợp tác kinh tế VBBMR không hẳn là thất bại nhưng trước bối cảnh mới cần có điều chỉnh mạnh mẽ. Trao đổi với diễn giả, TS. Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam cần xác định lại quan điểm hợp tác trong bối cảnh mới và cách làm của Trung Quốc về mặt thể chế là bài học rất cần thiết cho Việt Nam.

Phần thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế cao cấp. Các chuyên gia đã thảo luận và thống nhất rằng, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao mà cần một chính sách mới giải quyết các vấn đề tồn đọng với mục tiêu phát triển về chất, tăng hiệu quả đầu tư; giảm ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng... Bên cạnh đó, Trung Quốc cần tập trung cải cách quản lý hành chính, giảm sự phụ thuộc vào kích cầu đầu tư, chuyển hướng sang kích cầu tiêu dùng. Các chuyên gia cũng đi đến kết luận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cho không ít quốc gia trong khu vực phải e dè. Thậm chí trước sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc, các nước như Nhật Bản, Việt Nam cũng cần có những chiến lược phản ứng cần thiết.

Với thực tiễn tái cân bằng kinh tế cùng những thay đổi về chiến lược ở Trung Quốc, các chuyên gia tại Hội thảo cũng gợi ý một số hướng mở đối với Việt Nam. Về kinh tế, dựa vào kết quả nghiên cứu nền kinh tế Trung Quốc, kinh nghiệm lớn nhất Việt Nam rút ra từ là: giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng lĩnh vực mà nhà nước tham gia; đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có tính độc quyền: quốc tế hóa các tiêu chuẩn về quản trị và hoạt động. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về chất lượng. Về mặt hợp tác quốc tế, các chuyên gia đề xuất Việt Nam nên thiết lập phương thức phối hợp đồng bộ trên mặt trận truyền thông – tâm lý – pháp lý khi giải quyết các vấn đề trên biển Đông, cân nhắc lại quan điểm hợp tác trong bối cảnh mới và xem xét học hỏi cách làm về mặt thể chế của Trung Quốc.

Báo chí đưa tin về Hội thảo

Kênh truyền hình VITV đưa tin về Hội thảo

[dangcongsan.vn - 03/12/2014] Tác động nào từ việc Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản?

[baodatviet.vn - 30/11/2014] Việt Nam học gì từ "giai đoạn đau đớn" của Trung Quốc?

[bizlive.vn - 29/11/2014] Trung Quốc muốn cho cả thế giới thấy sự trỗi dậy của mình

[nguoitieudung.com - 29/11/2014] Tác động của Trung Quốc đối với khu vực khi tái cân bằng kinh tế

[dangcongsan.vn - 28/11/2014] Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực

Một số hình ảnh của Hội thảo