LO NGẠI VỀ ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG

         TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, phân tích: Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỉ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng, cũng như tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu nói đánh thuế đồ uống có đường nhằm giảm tỉ lệ béo phì, bệnh tiểu đường… thì cần có những bằng chứng khoa học thật sự cũng như thực tiễn của Việt Nam. Hơn nữa, thị trường còn nhiều loại khác cũng có tỉ trọng đường lớn hơn đồ uống có đường như trà sữa, cà phê… sẽ áp thuế hết hay không.
         Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tích lũy tài chính của nhiều gia đình thu hẹp hay gần đây nhiều hộ gia đình giảm thu nhập do mất việc làm. Nếu tăng thuế với nhóm hàng này, người dân phải tiếp tục gánh chịu thêm khoản tăng chi phí trong chi tiêu hằng ngày.
         Do đó, tôi cho rằng khi đưa ra chính sách cần khách quan, tỉnh táo đánh giá sự tác động đến mọi mặt của đời sống, sức khỏe DN, sức khỏe hộ gia đình chứ không nhìn khía cạnh của một mặt hàng. Hiện nay, khi chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cân nhắc không nên áp thuế TTĐB với đồ uống có đường