Mời viết bài tham gia Hội thảo khoa học “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và tác động đa chiều đối với khu vực”

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), là một tổ chức think-tank của Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập từ năm 2008, có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu cơ bản và độc lập trong khoa học kinh tế và các vấn đề liên ngành lấy kinh tế học làm trung tâm; cung cấp dịch vụ tư vấn về phân tích chính sách, phân tích kinh tế và tài chính cho các cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp. Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VEPR’s Chinese Economic Studies Program - VCES) là chương trình nghiên cứu tập trung vào các vấn đề kinh tế và chiến lược của Trung Quốc.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII đánh dấu sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 (thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình) diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Sau hai năm dưới sự lãnh đạo của thế hệ mới, Trung Quốc đang thể hiện những thay đổi nhất định trong việc xử lí các vấn đề mất cân bằng trong nước cũng như trong cách tiếp cận của quốc gia này với thế giới để khẳng định hình ảnh của một cường quốc khu vực và toàn cầu. 

Nhằm đưa ra những đánh giá về các diễn biến, tác động từ quá trình tái cân bằng cả về kinh tế và chiến lược của Trung Quốc tại khu vực trong thời gian qua và những khả năng sắp tới, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) tổ chức Hội thảo khoa học mang tên “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và tác động đa chiều đối với khu vực”. Đồng thời, tạo cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu trao đổi, cập nhật các kết quả nghiên cứu, quan điểm và nhận định về những vấn đề kinh tế và chiến lược căn bản của Trung Quốc đặt trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ đó có những gợi mở những hàm ý cho Việt Nam.

Thông tin về Hội thảo như sau:

1. Thời gian và địa điểm (dự kiến): Cả ngày 28/11/2014 tại Hà Nội

2. Ngôn ngữ : Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt

3. Chủ đề

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trân trọng kính mời Ông/Bà viết bài tham gia Hội thảo (bằng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, hoặc tiếng Trung) về một trong các chủ đề sau:

(1) Tái cân bằng kinh tế Trung Quốc. Có thể bao gồm:

  • - Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc
  • - Những trọng tâm cải cách kinh tế của chính phủ Trung Quốc hiện nay
  • - Cải cách doanh nghiệp nhà nước; thị trường hóa nền kinh tế
  • - Cải cách thể chế tài chính Trung Quốc hiện nay
  • - Cải cách lĩnh vực ngân hàng – tiền tệ
  • - Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và các tác động
  • - Cải cách chế độ sở hữu đất nông nghiệp và các tác động
  • - Cải cách chế độ hộ khẩu và các vấn đề có liên quan
  • - Chuyển biến của Trung Quốc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ cao-mới-then chốt
  • - Các vấn đề khác có liên quan trong cùng chủ đề
  •  
  • (2) Vận động của Trung Quốc trong các vấn đề mang tính khu vực. Có thể bao gồm:
  • - TPP và phản ứng của Trung Quốc
  • - Các liên kết kinh tế - chiến lược Trung Quốc – ASEAN (hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng; hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng; vận động hình thành RCEP, các sáng kiến kinh tế và liên kết song phương giữa Trung Quốc với các nước ASEAN v.v.)
  • - Liên kết kinh tế Trung Quốc – Đông Bắc Á (FTA Đông Bắc Á, các sáng kiến kinh tế và liên kết song phương giữa Trung Quốc với các nước Đông Bắc Á v.v.)
  • - Liên kết kinh tế Trung Quốc – Nam Á (FTA Trung Quốc - Nam Á, các sáng kiến kinh tế và liên kết song phương giữa Trung Quốc với các nước Nam Á v.v.)
  • - Các vấn đề khác có liên quan trong cùng chủ đề
  •  
  • (3) Những vấn đề chiến lược. Có thể bao gồm:     
  • - Chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ và phản ứng của Trung Quốc
  • - Chính sách tái cân bằng hướng biển của Trung Quốc và phản ứng của các nước lớn
  • - Quan hệ kinh tế và chiến lược Trung Quốc – Hoa Kỳ và tác động tới khu vực châu Á – Thái Bình dương
  • - Quan hệ kinh tế và chiến lược Trung Quốc – Nhật Bản và tác động tới khu vực châu Á – Thái Bình dương
  • - Quan hệ kinh tế và chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ và tác động tới khu vực châu Á – Thái Bình dương
  • - Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc
  • - Các vấn đề về an ninh năng lượng tại khu vực châu Á – Thái Bình dương
  • - Các vấn đề khác có liên quan trong cùng chủ đề
  •  
  • (4) Hàm ý chính sách từ quá trình tái cân bằng của Trung Quốc đối với Việt Nam
     

4. Những mốc thời gian quan trọng:

10/10/2014: Hạn để các tác giả đăng kí và gửi tóm tắt báo cáo tới BTC

15/10/2014: Hạn để BTC thông báo những tác giả và báo cáo được mời tham gia hội thảo.

5 giờ chiều 17/11/2014: Hạn để các tác giả (được BTC lựa chọn) gửi bản powerpoint trình bày trong hội thảo

5 giờ chiều 21/11/2014: Hạn để các tác giả (được BTC lựa chọn) gửi bản toàn văn bài trình bày.

28/11/2014: Hội thảo diễn ra tại Hà Nội

 

5. Quy cách bài viết

Các tác giả đăng kí và gửi tóm tắt báo cáo tới TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) qua email: pham.sythanh@vepr.org.vn, điện thoại: 0914809799.

Email đăng kí bài viết xin gửi kèm các thông tin sau:

- Họ tên tác giả, học hàm-học vị, chức vụ, nơi công tác, chuyên ngành nghiên cứu, email và số điện thoại

- Tiêu đề bài viết

- Tóm tắt bài viết

Bài viết thực hiện trên kiểu giấy A4, kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 12


6. Chi phí của Hội thảo

Ban tổ chức chi trả toàn bộ chi phí ăn ở và tham quan trong thời gian diễn ra hội thảo. BTC không hỗ trợ kinh phí đi lại.

 

Sự tham gia của Ông/Bà sẽ góp phần quan trọng vào thành công của buổi Hội thảo.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Ms. Nguyễn Thanh Tú, điện thoại: (04) 37547506 + 714 hoặc di động: 090.606.9196, email: nguyen.thanhtu@vepr.org.vn

Xin trân trọng cảm ơn./.