Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 02 về "Các lợi ích của việc hợp tác hàng hải tại khu vực Đông Á"

Download tài liệu Seminar tại ĐÂY

Tham dự Seminar có sự góp mặt của các các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín như Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng (Bộ Quốc phòng); Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Vụ Tổng hợp Kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Chính sách Đối ngoại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao); đại diện đến từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước như Oman, Ấn Độ; giảng viên, sinh viên các trường đại học cùng các cơ quan thông tấn báo chí…

Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 02 có sự tham gia trình bày của hai diễn giả: TS. Mathieu Duchatel – Giám đốc Dự án Trung Quốc và an ninh toàn cầu (SIPRI) trực thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) tại Bắc Kinh, Trung Quốc và TS.Trần Trường Thủy - Giám đốc Qũy Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Học  viện Ngoại giao.

Mở đầu Seminar, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu khai mạc. Đây là Seminar thứ hai trong chuỗi Seminar về Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc định kỳ hai tháng một lần do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thực hiện. Seminar lần này là sự hợp tác tổ chức giữa Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) và Dự án Tiếp cận và Ngoại giao Công chúng của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam. Tiếp đó, ông Richard Linning, Điều phối viên, Dự án Tiếp cận và Ngoại giao Công chúng (PDO) của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu chào mừng sự kiện. Ông chia sẻ, Dự án nằm trong chuỗi hoạt động nhằm tăng cường hình ảnh và hoạt động của EU tại Việt Nam; qua đó, góp phần đẩy mạnh các đối thoại liên minh và ngoại giao công chúng giúp quan hệ hợp tác Việt Nam – EU có những tiến triển tốt đẹp. Dự án hướng tới mục tiêu tạo sự kết nối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ông Richard Linning, Điều phối viên Dự án Tiếp cận và Ngoại giao Công chúng

Phần trình bày của TS. Mathieu Duchatel về chủ đề “Chính sách hàng hải của Châu Âu ở khu vực Đông Á – nghiên cứu về giá trị gia tăng.” Trong tham luận, TS. Mathieu điểm qua về tình hình diễn biến trên biển ở khu vực Đông Á với những rủi ro về sự cố va chạm trên biển, trên không ở biển Hoa Đông và biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích hàng hải của EU tại khu vực. Tác giả đưa ra cách tiếp cận của Liên minh Châu Âu về chính sách hàng hải ở Đông Á, nhấn mạng việc EU làm thế nào để đóng vai trò tích cực, chủ động trong việc làm giảm tình hình căng thẳng ở nơi đây. TS. Mathieu nhấn mạnh tính trung lập có nguyên tắc của EU khi đối mặt với vấn đề này. Cụ thể, với tư cách là một bên liên quan trong vấn đề an ninh hàng hải ở Đông Á, EU ngày càng nâng cao nhận thức về lợi ích của mình ở khu vực đang bị đe dọa, làm nảy sinh nhu cầu EU phải can thiệp vào khu vực thông qua xây dựng thể chế EEAS (Cơ quan hoạt động đối ngoại Châu Âu) và chính sách an ninh chung của Châu Âu. TS. Mathieu chỉ ra vai trò của EU trong lĩnh vực hàng hải ở Đông Á chỉ dừng lại ở việc ủng hộ các công cụ quản lý khủng hoảng, chủ yếu tập trung vào luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS chứ không trực tiếp tham gia vào giải quyết tranh chấp. TS. Mathieu Duchatel còn phác họa bức tranh về quá trình hoạch đinh chính sách của Trung Quốc với những nhân tố ảnh hưởng đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng biển khu vực Đông Á như: chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, những thay đổi trong tương quan lực lượng quân đội của các bên trong khu vực, yếu tố bất ổn trong nội bộ Trung Quốc, đường lối lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình,….

TS. Mathieu Duchatel đang trình bày bài tham luận

Kêt thúc bài tham luận, TS. Mathieu Duchatel khẳng định: EU có rất ít chỗ trống để tham gia vào cơ cấu an ninh của khu vực nên EU không tham gia trực tiếp vào những tranh chấp hàng hải ở Đông Á. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình cũng như xây dựng nền hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới, EU nhấn mạnh các giá trị gia tăng, ủng hộ xây dựng và phát triển các công cụ quản lý khủng hoảng dựa trên UNCLOS. Bài tham luận cũng gợi mở hướng đi cho ASEAN khi hợp tác với EU trong lĩnh vực hàng hải thì nên dựa vào luật pháp và thông lệ quốc tế.

TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc Qũy Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao trình bày bài tham luận thứ hai của Seminar  về “Tình hình biển ở Đông Á và tác động đến hợp tác ASEAN-EU”. Mở đầu, diễn giả khái quát tình hình trên biển Đông Á với các vấn đề nổi trội như tranh chấp lãnh thổ, khiếu nại hàng hải chồng chéo, tự do hàng hải. Trong đó, diễn giả chỉ ra lợi ích của các bên liên quan như lợi ích trực tiếp của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, lợi ích gián tiếp của Hoa Kỳ và một số cường quốc khác như Nhật Bản, EU, Ấn Độ. TS. Trần Trường Thủy đề cập đến các hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông, từ đó phân tích chính sách, chiến lược của Trung Quốc, ASEAN và các cường quốc khác ở khu vực. Từ chính sách và hành động của các bên, diễn giả đưa ra góc nhìn về tác động của chúng đến mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU trong lĩnh vực hàng hải tại Đông Á. Cuối cùng, diễn giả đưa ra vấn đề chủ quyền, bảo vệ lợi ích trên biển của Việt Nam trên biển Đông. Trước tình hình diễn biến trên biến ở Đông Á đang có nhiều biến động, diễn giả chia sẻ chính sách ứng phó của Việt Nam phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi vẫn duy trì môi trường ngoại giao hoà bình (đặc biệt là quan hệ hoà bình với Trung Quốc). Để đạt được điều đó, Việt Nam cần áp dụng chính sách đối thoại và cân bằng song song cả quyền lực cứng và quyền lực mềm.

TS. Trần Trường Thủy trình bày tham luận về "Tình hình biển ở Đông Á và tác động đến hợp tác ASEAN-EU"

Trong phần thảo luận của buổi Seminar, hai diễn giả nhận được nhiều câu hỏi từ các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. Những câu hỏi đặt ra xoay quanh vai trò chủ động tích cực hơn của EU trong việc làm giảm khủng hoảng căng thẳng trên biển ở khu vực Đông Á, các biện pháp cụ thể của EU trong khu vực và biện pháp khả thi nào dành cho Việt Nam.

Seminar trên Báo chí:

[dangcongsan.vn - 24/10/2014] Các lợi ích của việc hợp tác hàng hải tại khu vực Đông Á


Một số hình ảnh của Seminar: