Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 15

Chiều ngày 29/11/2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR ) đã tổ chức Seminar nghiên cứu Kinh tế và Chính sách số 15 với chủ đề “Tự do hóa kinh tế với phát triển tài chính trong nền kinh tế chuyển đổi: Trường hợp Việt Nam giai đoạn 1996-2012”.

Diễn giả là Nguyễn Đức Hùng tốt nghiệp cử nhân khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2010. Hiện nay Hùng đang là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đồng thời là trợ lý nghiên cứu cho Viện Chính sách công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội. Nguyễn Thanh Tùng hiện là sinh viên năm cuối khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân. Khi còn là sinh viên năm thứ ba, Tùng đã thời gian thực tập tại Ban Nghiên cứu trong dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Dương Lê Huyền Trang hiện đang là sinh viên năm cuối, lớp Tài chính Tiên tiến, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân. Khi còn học năm thứ ba, Tùng và Trang đều đã giành được giải ba cuộc thi Tài năng Khoa học Trẻ Việt Nam cấp trường với các đề tài “Nhân tố tác động cán cân vãng lai Việt Nam – Góc nhìn từ cách tiếp cận liên thời kỳ và hàm ý chính sách” và “Lợi nhuận của chiến lược đầu tư theo quán tính ở thị trường chứng khoán Việt Nam và khuyến nghị cho các nhà đầu tư”.

Nhóm tác giả Nguyễn Đức Hùng (bên trái) và Dương Lê Huyền Trang

Diễn giả Nguyễn Thanh Tùng

 

Hệ thống tài chính đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống tài chính tại hầu hết các nước đang phát triển lại đang có trình độ phát triển thấp hơn so với quy mô nền kinh tế. Vậy những nhân tố nào quyết định tới sự phát triển tài chính, và liệu rằng tự do hóa kinh tế có góp phần thúc đẩy phát triển tài chính hay không? Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã lần lượt tham gia một số tổ chức như Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, hay đặc biệt là gia nhập WTO vào đầu năm 2007. Những điều kiện này đã giúp độ mở thương mại của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, cho thấy rằng mức độ tự do hóa trong thương mại ngày càng lớn. Trong khi đó, tự do hóa tài chính dường như lại chưa được chú trọng. Nghiên cứu này thực hiện nhằm xem xét mối quan hệ giữa tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính tới sự phát triển tài chính của Việt Nam giai đoạn 1996-2012. Kết quả mô hình VECM cho thấy không những tự do hóa tài chính không có ảnh hưởng tới phát triển tài chính trong ngắn hạn, mà ngược lại, phát triển tài chính lại có tác động ngược tới tự do hóa tài chính ở Việt Nam. Trong khi đó thì mối quan hệ giữa tự do hóa thương mại với phát triển tài chính dường như là một mối quan hệ hai chiều. Kết quả cũng tìm thấy mối quan hệ dài hạn giữa các biến số, tuy nhiên, tác động trong dài hạn chủ yếu theo hướng ảnh hưởng tới biến số độ mở thương mại.

Lắng nghe nhóm tác giả trình bày bài nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng cách tiếp cận của nhóm tác giả chưa thực sự tốt khi chưa phân biệt rõ sự khác biệt giữa các khái niệm tự do tài chính, độ sâu tài chính và tự do hóa tài khoản vốn. Phần cơ sở lý thuyết chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng, được thể hiện qua sự nhầm lẫn của tác giả giữa những khái niệm này. Cùng với đó là vấn đề lựa chọn biến cho mô hình, khi biến FDI chưa phù hợp để đo lường mức độ tự do tài chính của một quốc gia, dẫn đến kết quả của mô hình còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Theo gợi ý của TS. Thành, có thể sử dụng một số biến đại diện để đo lường mức độ tự do hóa tài chính như chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, hoặc chênh lệch giữa tỉ giá hối đoái của nhà nước và tỉ giá chợ đen. Nhóm tác giả đã tiếp thu những ý kiến nhận xét của TS. Thành với hy vọng có thể tiếp tục hoàn thiện thêm bài nghiên cứu này trong thời gian sắp tới.

Download tài liệu tại ĐÂY